
Nghị định 70/2025/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 01/6/2025, đã cập nhật và điều chỉnh một số nội dung trong Nghị định 123/2020/NĐ-CP liên quan đến hóa đơn, chứng từ. Theo quy định mới này, có thêm 08 trường hợp được bổ sung bắt buộc phải lập hóa đơn.
A. 08 trường hợp phải lập hóa đơn kể từ ngày 01/6/2025
Từ ngày 01/6/2025, có 08 trường hợp bắt buộc phải lập hóa đơn, bao gồm:
- Thời điểm lập hóa đơn khi thực hiện hoạt động xuất khẩu hàng hóa.
- Thời điểm xuất hóa đơn trong trường hợp cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
- Thời điểm lập hóa đơn đối với một số lĩnh vực đặc thù như: cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt, quảng cáo trên truyền hình, thương mại điện tử, dịch vụ ngân hàng, chuyển tiền quốc tế, kinh doanh chứng khoán, xổ số điện toán,…
- Thời điểm xuất hóa đơn đối với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm.
- Thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động phát hành vé xổ số.
- Thời điểm lập hóa đơn trong hoạt động kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng.
- Thời điểm lập hóa đơn khi phát sinh hoạt động cho vay.
- Thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động đại lý thu đổi ngoại tệ, và các dịch vụ nhận – chi trả bằng ngoại tệ.
Cụ thể như sau:
-
Thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa
Thời điểm lập hóa đơn đối với hàng hóa xuất khẩu (bao gồm cả trường hợp gia công xuất khẩu), có thể là hóa đơn thương mại điện tử, hóa đơn giá trị gia tăng điện tử hoặc hóa đơn bán hàng điện tử, sẽ do bên bán chủ động lựa chọn. Tuy nhiên, thời điểm lập hóa đơn này không được muộn hơn ngày làm việc kế tiếp kể từ ngày hàng hóa được cơ quan hải quan xác nhận thông quan theo quy định của pháp luật về hải quan.
(Căn cứ Khoản 1 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 6 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP)
-
Thời điểm lập hóa đơn đối với dịch vụ cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài
Thời điểm lập hóa đơn đối với dịch vụ cung cấp cho các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài được xác định tương tự như với dịch vụ trong nước, tức là vào thời điểm hoàn tất việc cung cấp dịch vụ, không phụ thuộc vào việc đã thu tiền hay chưa.
(Căn cứ Khoản 1 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm a khoản 6 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP)
-
Thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể
(i) Thời điểm lập hóa đơn đối với các trường hợp như: cung cấp dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt, quảng cáo trên truyền hình, thương mại điện tử, ngân hàng (trừ hoạt động cho vay), chuyển tiền quốc tế, dịch vụ chứng khoán, xổ số điện toán, thu phí sử dụng đường bộ giữa nhà đầu tư và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí, cùng các trường hợp khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính:
Là thời điểm hoàn tất việc đối soát dữ liệu giữa các bên nhưng không muộn hơn ngày thứ 07 của tháng kế tiếp tháng phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ, hoặc không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ đối soát đã được thỏa thuận.
(ii) Thời điểm xuất hóa đơn cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm:
Là thời điểm doanh thu bảo hiểm được ghi nhận theo quy định pháp luật hiện hành về kinh doanh bảo hiểm.
(iii) Thời điểm lập hóa đơn trong hoạt động kinh doanh vé xổ số truyền thống và vé số biết kết quả ngay (phát hành theo hình thức in sẵn, đủ mệnh giá):
Là sau khi thu hồi các vé xổ số chưa bán hết và chậm nhất là trước khi mở thưởng của kỳ tiếp theo. Doanh nghiệp sẽ lập một hóa đơn GTGT điện tử có mã của cơ quan thuế cho từng đại lý (cá nhân hoặc tổ chức) đã tiêu thụ vé số trong kỳ và gửi cơ quan thuế để cấp mã.
(iv) Thời điểm lập hóa đơn trong hoạt động kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng:
Là 01 ngày kể từ khi kết thúc ngày xác định doanh thu. Ngày xác định doanh thu được tính từ 00 giờ 00 phút đến 23 giờ 59 phút trong cùng một ngày.
(v) Thời điểm xuất hóa đơn đối với hoạt động cho vay:
Được xác định theo kỳ hạn thu lãi ghi trong hợp đồng tín dụng giữa tổ chức tín dụng và người vay.
Trường hợp đến kỳ thu lãi nhưng chưa thu được và khoản lãi được theo dõi ngoại bảng theo quy định về tín dụng, thì hóa đơn sẽ được lập vào thời điểm thu thực tế.
Nếu lãi được thanh toán trước thời hạn theo hợp đồng, thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu lãi trước hạn đó.
(vi) Thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động đại lý thu đổi ngoại tệ, cũng như cung ứng dịch vụ nhận – chi trả ngoại tệ của tổ chức tín dụng:
Là thời điểm thực hiện việc đổi ngoại tệ hoặc thời điểm hoàn tất dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ.
(Căn cứ Khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b và điểm c khoản 6 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP)
B. Một số sửa đổi, bổ sung khác về thời điểm lập hóa đơn theo Nghị định 70
(i) Điều chỉnh quy định về thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động bán khí thiên nhiên, khí đồng hành, khí than được vận chuyển qua hệ thống đường ống tới bên mua:
Thời điểm xuất hóa đơn là khi bên mua và bên bán xác định được khối lượng khí được giao trong tháng, tuy nhiên thời điểm này không được trễ hơn ngày cuối cùng của thời hạn kê khai và nộp thuế của tháng phát sinh nghĩa vụ thuế, theo quy định của pháp luật thuế.
“Hiện hành: Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định thời điểm lập hóa đơn đối với hoạt động bán khí thiên nhiên, khí đồng hành, khí than là thời điểm bên mua, bên bán xác định khối lượng khí giao hàng tháng nhưng chậm nhất không quá 07 ngày kế tiếp kể từ ngày bên bán gửi thông báo lượng khí giao hàng tháng.”
(ii) Bãi bỏ quy định về thời điểm lập hóa đơn vào cuối ngày đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ăn uống theo mô hình chuỗi cửa hàng bán trực tiếp cho người tiêu dùng, trong đó toàn bộ hoạt động kinh doanh được hạch toán tại trụ sở chính.
(iii) Loại bỏ quy định về việc lập hóa đơn tổng hợp vào cuối ngày hoặc cuối tháng đối với các loại hình dịch vụ như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, dịch vụ chuyển tiền qua ví điện tử, dịch vụ ngắt và cấp lại điện của các đơn vị phân phối điện cho cá nhân không kinh doanh, không có nhu cầu nhận hóa đơn.
(iv) Điều chỉnh và bổ sung quy định về thời điểm xuất hóa đơn trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi sử dụng phần mềm tính cước, theo đó hóa đơn phải được lập và gửi dữ liệu đến cơ quan thuế ngay sau khi chuyến đi kết thúc.
“Hiện hành: Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi có sử dụng phần mềm tính tiền thực hiện gửi thông tin các chuyến đi và gửi về cơ quan thuế các thông tin; trường hợp khách hàng lấy hóa đơn thì lập hóa đơn cho khách hàng và gửi hóa đơn cho cơ quan thuế.”
(v) Thay đổi cụm từ “cơ sở y tế kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh” thành “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” và bổ sung thêm quy định: “Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ lập hóa đơn cho cơ quan bảo hiểm xã hội tại thời điểm được cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện thanh toán hoặc quyết toán chi phí khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế” tại điểm n khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Liên hệ ngay Zalo 0867 239 945 hoặc 0345 161 539 để được tư vấn miễn phí và cập nhật sớm nhất các thay đổi liên quan đến hóa đơn điện tử!
BEEWOW ACC
ĐỒNG HÀNH – PHÁT TRIỂN
Xem thêm:
Thay đổi về thời điểm lập hóa đơn từ ngày 01/6/2025 theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP