BlogĐiều bạn quan tâmNguyên tắc khấu trừ thuế GTGT ...

Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT mua vào một số trường hợp

Facebook
Pinterest
LinkedIn
Email

NỘI DUNG

Thuế GTGT hàng hóa mua vào dùng để tài trợ:

Đối với hàng hóa dùng để tài trợ, Tổng cục Thuế trả lời tại công văn Công văn 2810/TCT-CS rằng:

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 588/CV-CTS.THUE ngày 14/02/2017 của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam về thuế GTGT của hàng hóa dùng để tài trợ. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

→ Trường hợp doanh nghiệp phát sinh các khoản chi tài trợ bằng hiện vật là sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp tự sản xuất hoặc mua ngoài thì doanh nghiệp thực hiện lập hóa đơn và kê khai thuế GTGT đầu ra theo giá tính thuế GTGT của sản phẩm, hàng hóa cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động tài trợ. Doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có liên quan đến các khoản chi tài trợ này.

Thuế GTGT đầu vào hàng hóa mua vào dùng để biếu tặng khách hàng

Theo hướng dẫn của Cục Thuế TP. Hà Nội tại Công văn 74972/CT-TTHT ngày 12 tháng 11 năm 2018 đối với thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào để cho, biếu, tặng khách hàng như sau:

→ Trường hợp phục vụ cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và đáp ứng điều kiện theo quy định tại Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính thì Công ty được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Trường hợp phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT thì Công ty không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Công ty chỉ được hạch toán vào chi phí để tính thuế TNDN hoặc tính vào nguyên giá của tài sản cố định đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào để cho, biếu, tặng trên, trừ số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào để cho, biếu, tặng từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên không có hóa đơn chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Trường hợp phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT. Công ty phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế

GTGT, doanh thu không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ bán ra bao gồm cả doanh thu không phải kê khai tính nộp thuế không hạch toán riêng được.

Thuế GTGT mua xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống giá trên 1 tỷ 6 (chưa VAT)

Căn cứ Điều 9 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế, sửa đổi. bổ sung khoản 3 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC như sau:

“3. Thuế GTGT đầu vào của tài sản cố định, máy móc, thiết bị, kể cả thuế GTGT đầu vào của hoạt động đi thuê những tài sản, máy móc, thiết bị này và thuế GTGT đầu vào khác liên quan đến tài sản, máy móc, thiết bị như bảo hành, sửa chữa trong các trường hợp sau đây không được khấu trừ mà tính vào nguyên giá của tài sản cố định hoặc chi phí được trừ theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành: …

Tài sản cố định là ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ ô tô sử dụng vào kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; Ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô) có trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng (giá chưa có thuế GTGT) thì số thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần trị giá vượt trên 1,6 tỷ đồng không được khấu trừ”.

→ Như vậy, đối với thuế GTGT đầu vào của xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống giá trên 1 tỷ 6 (chưa VAT) thì không được khấu trừ phần thuế GTGT tương ứng với phần vượt trên 1 tỷ 6.

Thuế GTGT đầu vào hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho phúc lợi

Theo quy định tại Điểm 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung khoản 2 điều 6 thông tư 78/2014/TT BTC về khoản chi có tính chất phúc lợi chỉ trực tiếp cho người lao động, bao gồm:

  •   Chi đám hiếu, hỷ của người lao động và gia đình người lao động,
  • Chi nghỉ mát cho người lao động;
  • Chi hỗ trợ điều trị cho người lao động.
  • Chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập cho người lao động tại cơ sở đào tạo Chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau:
  • Chi khen thưởng cho con của người lao động khi có thành tích tốt trong học tập;
  • Chi hỗ trợ người lao động chi phí đi lại ngày lễ, tết
  • Chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động.
  •     Những khoản chi có tính chất phúc lợi khác.

Vậy, thuế GTGT đầu vào liên quan đến các khoản chi này có được đưa vào chi phí được trừ hay không?

Công văn 4005/TCT-CS ngày 29 tháng 09 năm 2015 của Tổng Cục Thuế hướng dẫn vấn đề này như sau:

→ Trường hợp doanh nghiệp có khoản chi phúc lợi mà người lao động được thụ hưởng trực tiếp thì khoản chi đó được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản chi có tính chất phúc lợi cho người lao động nếu có đầy đủ hóa đơn chứng từ và tổng số chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế theo quy định, đồng thời doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đối với những khoản chi phúc lợi tương ứng với khoản tiền được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nêu trên nếu đáp ứng được các điều kiện về khấu trừ theo quy định.

Công văn 834/TCT-DNL ngày 14 tháng 03 năm 2017 của Bộ tài chính hướng dẫn rằng:

→ Trường hợp Công ty sử dụng sản phẩm do chính Công ty sản xuất ra hoặc hàng hóa do Công ty mua về với mục đích để bán, sau đó sử dụng một phần để cho, biếu, tặng cán bộ công nhân viên của Công ty trong dịp lễ, tết và trang trải bằng quỹ phúc lợi thì Công ty được kê khai khấu trừ thuế GTGT theo quy định và phải xuất hóa đơn, tính nộp thuế GTGT như trường hợp bán hàng

hóa cho khách hàng.

→ Trường hợp Công ty sử dụng quỹ phúc lợi mua hàng hóa từ bên ngoài để cho, biếu, tặng cán bộ, công nhân viên của Công ty trong dịp lễ, tết không

phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh thì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Khi xuất hàng hóa nêu trên để cho, biếu, tặng cán bộ, công nhân viên Công ty không phải lập hóa đơn và không được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN

Công văn 4003/TCT-CS ngày 17/10/2018 của Tổng cục thuế hướng dẫn Chính sách thuế đối với mua hàng hóa làm quà tặng cho cán bộ, nhân viên không dùng quỹ phúc lợi:

→ Trường hợp công ty có phát sinh chi phí mua hàng hóa bên ngoài để làm quà trung thu, quà tết cho cán bộ, công nhân viên không dùng quỹ phúc lợi thì nếu khoản chi phí mua hàng hóa dùng làm quà cho nhân viên không vượt quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế theo quy định thì Công ty được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào tương ứng với phần tính vào chi phí được trừ, đồng thời Công ty phải lập hóa đơn GTGT theo quy định.

Thuế GTGT đầu vào tài sản xây dựng phúc lợi

Căn cứ Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng:

“Điều 14. Nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

  1. Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất.

Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ hình thành tài sản cố định là nhà ăn ca, nhà nghỉ giữa ca, phòng thay quần áo, nhà để xe, nhà vệ sinh, bể nước phục vụ cho người lao động trong khu vực sản xuất, kinh doanh và nhà ở; trạm y tế cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp được khấu trừ toàn bộ.

Trường hợp nhà ở cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp do cơ sở kinh doanh đi thuê thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn thiết kế và giá cho thuê nhà ở công nhân khu công nghiệp thì thuế GTGT đối với khoản tiền thuê nhà trong trường hợp này được khấu trừ theo quy định. Trường hợp cơ sở kinh doanh xây dựng hoặc mua nhà ở ngoài khu công nghiệp phục vụ cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, nhà xây dựng hoặc nhà mua thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở công nhân khu công nghiệp thì thuế GTGT của nhà xây dựng, nhà mua phục vụ cho công nhân được khấu trừ toàn bộ.

Trường hợp cơ sở kinh doanh có các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam công tác, giữ các chức vụ quản lý tại Việt Nam, hưởng lương tại Việt Nam theo hợp đồng lao động ký với cơ sở kinh doanh tại Việt Nam thì cơ sở kinh doanh không được khấu trừ thuế GTGT của khoản tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài này.

Trường hợp các chuyên gia nước ngoài vẫn là nhân viên của doanh nghiệp ở nước ngoài, chịu sự điều động của doanh nghiệp ở nước ngoài, được doanh nghiệp ở nước ngoài trả lương và hưởng các chế độ của doanh nghiệp ở nước ngoài trong thời gian sang Việt Nam công tác, giữa doanh nghiệp ở nước ngoài và cơ sở kinh doanh tại Việt Nam có hợp đồng bằng văn bản nêu rõ doanh nghiệp tại Việt Nam phải chịu các chi phí về chỗ ở cho các chuyên gia nước ngoài trong thời gian công tác ở Việt Nam thì thuế GTGT của khoản tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam do cơ sở kinh doanh tại Việt Nam chi trả được khấu trừ.”

Công văn số 7539/CT-TTHT ngày 26/02/2019 của cục thuế TP. Hà Nội hướng dẫn rằng:

→ Công ty mua căn hộ chung cư (căn hộ này được Công ty ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư, có hóa đơn GTGT hợp pháp và thanh toán qua ngân hàng) để làm chỗ ở cho người lao động (là người Hàn Quốc) thì:

– Về thuế GTGT:

  • Đối với số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ hình thành tài sản cố định là nhà ở, trạm y tế cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp được khấu trừ toàn bộ.
  •     Trường hợp Công ty mua nhà ở ngoài khu công nghiệp phục vụ cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, nhà mua thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở công nhân khu công nghiệp thì thuế GTGT của nhà mua phục vụ cho công nhân được khấu trừ toàn bộ.

Công văn số 4492/TCT-CS ngày 04/11/2019 của Tổng cục Thuế hướng dẫn như sau:

→ Trường hợp cơ sở kinh doanh xây dựng hoặc mua nhà ở ngoài khu công nghiệp phục vụ cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, nhà xây dựng hoặc nhà mua thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở công nhân khu công nghiệp thì việc khấu trừ thuế GTGT và tính chi phí khấu hao vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính, Điểm a Khoản 2.2 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính.

Trường hợp cơ sở kinh doanh xây dựng khu nhà ở hoặc mua căn hộ phục vụ cho các cán bộ kỹ thuật của nhà nhập khẩu không phải là cán bộ công nhân viên của cơ sở kinh doanh không thuộc các trường hợp nêu trên thì không được trích khấu hao vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Thuế GTGT đầu vào hàng hóa, nguyên liệu bị tổn thất, hao hụt,…

Căn cứ khoản 1 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn Luật thuế GTGT quy định nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào:

“Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất.

Các trường hợp tổn thất không được bồi thường được khấu trừ thuế GTGT đầu vào gồm: thiên tai, hỏa hoạn, các trường hợp tổn thất không được bảo hiểm bồi thường, hàng hóa mất phẩm chất, quá hạn sử dụng phải tiêu hủy. Cơ sở kinh doanh phải có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh các trường hợp tổn thất không được bồi thường để khấu trừ thuế.

Trường hợp hàng hóa có hao hụt tự nhiên do tính chất lý hóa trong quá trình vận chuyển, bơm rót như xăng, dầu… thì được kê khai, khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của số lượng hàng hóa thực tế hao hụt tự nhiên không vượt quá định mức hao hụt theo quy định. Số thuế GTGT đầu vào của số lượng hàng hóa hao hụt vượt định mức không được khấu trừ, hoàn thuế.”

Về nội dung này, Cục Thuế TP.HCM cũng đã bày tỏ quan điểm tại Hệ thống Đối thoại doanh nghiệp như sau:

Câu hỏi: Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 đã bỏ quy định doanh nghiệp tự xây dựng, quản lý định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa sử dụng vào sản xuất, kinh doanh làm cơ sở xác định chi nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa phần vượt mức tiêu hao hợp lý không được tính vào chi phí được trừ.

Như vậy, nếu theo quy định không bắt buộc doanh nghiệp xây dựng định mức vật tư thì xem như điều kiện khấu trừ thuế GTGT đối với hàng hóa hao hụt vượt định mức (nếu có) cũng được khấu trừ ?

Cục Thuế trả lời:

→ Trường hợp các nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa đã được Nhà nước ban hành định mức thì số thuế GTGT đầu vào của số lượng nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa hao hụt vượt định mức không được khấu trừ. Đối với định mức từng nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá đề nghị Công ty tham khảo các văn bản pháp luật liên quan tương ứng với từng ngành nghề, lĩnh vực.

Thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào dưới hình thức ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác mà hóa đơn mang tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền

Căn cứ khoản 12, Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT đầu vào như sau:

  1. a) Doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền cho người tham gia bảo hiểm sửa chữa tài sản; chi phí sửa chữa tài sản cùng các vật tư, phụ tùng thay thế có hóa đơn GTGT ghi tên người tham gia bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện thanh toán cho người tham gia bảo hiểm phí bảo hiểm tương ứng theo hợp đồng bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm được kê khai khấu trừ thuế GTGT tương ứng với phần bồi thường bảo hiểm thanh toán theo hóa đơn GTGT đứng tên người tham gia bảo hiểm; trường hợp phần bồi thường bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán cho người tham gia bảo hiểm có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng.
  2. b) Trước khi thành lập doanh nghiệp, các sáng lập viên có văn bản ủy quyền cho tổ chức, cá nhân thực hiện chi hộ một số khoản chi phí liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, mua sắm hàng hóa, vật tư thì doanh nghiệp được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn GTGT đứng tên tổ chức, cá nhân được ủy quyền và phải thực hiện thanh toán cho tổ chức, cá nhân được ủy quyền qua ngân hàng đối với những hóa đơn có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên.”

Ví dụ: Công văn 20057/CT-TTHT ngày 17 tháng 04 năm 2018 Cục Thuế TP.Hà Nội hướng dẫn chi phí trước khi thành lập doanh nghiệp

→ Trường hợp Công ty TNHH USE Electronics Việt Nam được Sở kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu số 0107984754 ngày 01/09/2017, có hai thành viên góp vốn là Ông Tetsuji Haruta và Công ty TNHH USE Electronics. Trong giai đoạn trước khi thành lập, các thành viên góp vốn đã có văn bản ủy quyền cho Công ty TNHH USE Electronics chi hộ một số khoản chi phí liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp thì Công ty TNHH USE Electronics Việt Nam được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn GTGT đứng tên Công ty TNHH USE Electronics và phải thực hiện thanh toán cho Công ty TNHH USE Electronics qua ngân hàng đối với những hóa đơn có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên.

Hãy gọi ngay/ Nhắn tin Zalo 0867 239 945 hoặc 0345 161 539 khi Quý Khách hàng còn nhiều thắc mắc cần trao đổi, giải đáp.

Xem thêm:

Sử dụng hóa đơn đầu vào bất hợp pháp

Sai phạm trong chuyển lỗ

Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Beewow

Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Beewow

BEEWOW ra đời với sứ mệnh đem đến các giải pháp góp phần hoàn thiện hệ thống kế toán - nhân sự của khách hàng, một dịch vụ mà ở đó BEEWOW luôn thấu hiểu và đồng hành trong từng chặng đường hình thành và phát triển của các start-up, cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cả nước.