BlogĐiều bạn quan tâmCách xử lý khi hóa đơn điện tử...

Cách xử lý khi hóa đơn điện tử có sai sót

Facebook
Pinterest
LinkedIn
Email
Lượt xem: 21

NỘI DUNG

Căn cứ pháp lý:

  • Tại điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP
  • Điều 7, Khoản 6 Điều 12 Thông tư 78/2021/TT-BTC

I. Cách xử lý hóa đơn điện tử có sai sót

Trường hợp 1: Người bán phát hiện hóa đơn điện tử đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót

Bước 1

Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS- HĐĐT Phụ lục IA (ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, gọi tắt là 04/SS-HĐĐT) về việc hủy hóa đơn điện tử có mã đã lập có sai sót. Cơ quan thuế thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã được cấp mã có sai sót lưu trên hệ thống của cơ quan thuế

Bước 2

Lập hóa đơn điện tử mới sau đó ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập

Bước 3

Gửi lại hóa đơn đúng cho người mua

Trường hợp 2: Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không mã của cơ quan thuế, đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai sót

Bước 1

Người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót

Bước 2

Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về hóa đơn điện tử có sai sót theo Mẫu số 04/SS/HĐĐT Phụ lục 1A (trừ trường hợp hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế có sai sót nêu trên chưa gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế)

Lưu ý:

  • Người bán không phải lập lại hóa đơn.
  • Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót và người bán đã xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì các lần xử lý tiếp theo người bán sẽ thực hiện theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu.
Trường hợp 3: Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế, đã gửi cho người mua, mà người mua hoặc người bán phát hiện sai mã số thuế, sai sót về số tiền ghi trên hóa đơn, sai về thuế suất tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng

Cách 1: Lập hóa đơn điều chỉnh

Bước 1

Người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót, sau đó ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót, thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử điều chỉnh cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày … tháng …. năm”.

Bước 2

Gửi lại hóa đơn đúng cho người mua

Ghi chú:

  • Đối với nội dung về giá trị trên hóa đơn có sai sót khi điều chỉnh: điều chỉnh tăng (ghi dấu dương), điều chỉnh giảm (ghi dấu âm) đúng với thực tế điều chỉnh.
  • Trường hợp người bán lập hóa đơn điện tử bị sai (hóa đơn số 1), sau đó lập hóa đơn điều chỉnh (hóa đơn số 2) và phát hiện hóa đơn số 2 vẫn bị sai thì lập hóa đơn số 3 điều chỉnh cho hóa đơn số 1 (khi đó, hóa đơn số 1 đã bị điều chỉnh bởi hóa đơn số 2).

Cách 2: Lập hóa đơn thay thế

Bước 1

Người bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót, trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày … tháng … năm …”.

Bước 2

Gửi lại hóa đơn đúng cho người mua

Ghi chú:

  • Hóa đơn điện tử mới sẽ thay thế cho hóa đơn sai sót, khi ký phát hành hóa đơn thay thế thì đồng thời số hóa đơn sai sót sẽ bị xóa bỏ;
  • Trường hợp người bán lập hóa đơn điện tử bị sai (hóa đơn số 1), sau đó lập hóa đơn thay thế (hóa đơn số 2) và phát hiện hóa đơn số 2 vẫn bị sai thì doanh nghiệp lập hóa đơn số 3 thay thế cho hóa đơn số 2 (khi đó, hóa đơn số 1 đã bị thay thế bởi hóa đơn số 2).

Lưu ý:

  • Người bán không phải lập Mẫu số 04/SS-HĐĐT gửi đến cơ quan thuế.
  • Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có sai sót và người bán đã xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế (theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP), sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì các lần xử lý tiếp theo người bán sẽ thực hiện theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu.

  • Trường hợp theo quy định hóa đơn điện tử được lập không có ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, số hóa đơn có sai sót thì người bán chỉ thực hiện điều chỉnh mà không thực hiện hủy hoặc thay thế.

Trường hợp 4: Cơ quan thuế phát hiện hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế đã lập có sai sót
  1. Cơ quan thuế thông báo cho người bán theo Mẫu số 01/TB-RSĐT Phụ lục IB ban hành kèm theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP để người bán kiểm tra sai sót.

2. Theo thời hạn thông báo ghi trên Mẫu số 01/TB-RSĐT Phụ lục IB, người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT tại Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định này về việc kiểm tra hóa đơn điện tử đã lập có sai sót, trong đó ghi rõ căn cứ kiểm tra là thông báo Mẫu số 01/TB-RSĐT của cơ quan thuế (bao gồm thông tin số và ngày thông báo).

3. Hết thời hạn thông báo ghi trên Mẫu số 01/TB-RSĐT Phụ lục IB mà người bán không thông báo với cơ quan thuế thì cơ quan thuế tiếp tục thông báo lần 2 cho người bán theo Mẫu số 01/TB-RSĐT Phụ lục IB. Quá thời hạn thông báo lần 2 ghi trên Mẫu số 01/TB-RSĐT Phụ lục IB mà người bán không có thông báo thì cơ quan thuế xem xét chuyển sang trường hợp kiểm tra về sử dụng hóa đơn điện tử.

Trường hợp 5: Hóa đơn đã lập theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính có sai sót

Bước 1

Người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót.

Bước 2

Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT

Bước 3

Người bán lập hóa đơn hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót (hóa đơn đã lập có sai sót theo Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính).

Sau đó, người bán ký số trên hóa đơn điện tử thay thế đã lập hoặc (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử không có mã) hoặc gửi cơ quan thuế để được cấp mã cho hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).

Hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót phải có dòng chữ Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày … tháng… năm”

Bước 4

Gửi hóa đơn điện tử thay thế cho người mua.

⇒ Lưu ý:

  • Người bán lựa chọn Mẫu số 04/SS-HĐĐT để thông báo việc điều chỉnh cho từng hóa đơn có sai sót hoặc thông báo việc điều chỉnh cho nhiều hóa đơn điện sai sót và gửi đến cơ quan thuế bất cứ thời gian nào nhưng chậm nhất là ngày cuối cùng của kỳ kê khai thuế giá trị gia tăng phát sinh hóa đơn điện tử điều chỉnh.
  • Trường hợp người bán lập hóa đơn khi thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, sau đó có phát sinh việc hủy hoặc chấm dứt việc cung cấp dịch vụ thì người bán thực hiện hủy hóa đơn điện tử đã lập và thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn theo Mẫu số 04/SS-HĐĐT tại Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

II. Cách kê khai đối với hóa đơn điều chỉnh

Căn cứ Điều 47 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/06/2019

Căn cứ khoản 4 Điều 7 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP

Căn cứ Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020

Trường hợp 1: Hóa đơn gốc và hóa đơn bị điều chỉnh cùng kỳ kê khai thuế

1. Đối với hóa đơn thay thế: 

Kê khai đầy đủ 02 tờ hoá đơn trên bảng kê

– Hoá đơn 1 (gốc)- đã huỷ: số tiền =0

– Hoá đơn 2 (thay thế): số tiền = số tiền điều chỉnh đúng

2. Đối với hóa đơn điều chỉnh:

Kê khai đầy đủ 02 tờ hoá đơn trên bảng kê

– Hoá đơn 1 (gốc): số tiền = số tiền trên hoá đơn đã xuất

– Hoá đơn 2 (điều chỉnh): số tiền = số tiền tăng/giảm số tiền điều chỉnh đúng

Trường hợp 2: Hóa đơn gốc và hóa đơn bị điều chỉnh khác kỳ kê khai thuế

1. Đã kê khai đối với hoá đơn bị sai:

– Lập tờ khai bổ sung của của tháng có hóa đơn bị sai

+ Nếu khai bổ sung dẫn đến tăng số thuế phải nộp, giảm số thuế được hoàn thì nộp bổ sung tiền thuế và khoản chậm nộp

+ Nếu khai bố sung dẫn đến giảm số thuế phải nộp, tăng số được hoàn thì được khấu trừ tiếp vào qúy tiếp theo

2. Chưa kê khai đối với hoá đơn bị sai

– Cách 1: kê khai hoá đơn bị sai và hoá đơn thay thế/điều chỉnh trên cùng một tờ khai lần đầu của hoá đơn gốc

– Cách 2: Kê khai hoá đơn này thành 02 tờ khai riêng biệt khác nhau

Vẫn kê khai số sai trên tờ khai lần đầu. Tiếp theo, lập kê khai bổ sung kê khai số đúng.

Trên đây là hướng dẫn cách xử lý khi lập hóa đơn điện tử có sai sót và cách kê khai thuế đối với các hóa đơn điều chỉnh. Hy vọng sẽ mang lại thông tin hữu ích cho bạn. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể liên hệ hotline 0345.161.539 hoặc 0934.049.636 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Beewow

Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Beewow

BEEWOW ra đời với sứ mệnh đem đến các giải pháp góp phần hoàn thiện hệ thống kế toán - nhân sự của khách hàng, một dịch vụ mà ở đó BEEWOW luôn thấu hiểu và đồng hành trong từng chặng đường hình thành và phát triển của các start-up, cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cả nước.